Vật vã đối phó 'tủ lạnh hỏng, bếp hết ga' mùa dịch

Bảo hành điện tử thông qua QRcode

Bếp từ hư ngay lúc giãn cách, tôi nấu nướng chiên xào đều bằng nồi cơm điện.

Những ngày giãn cách, dạo một vòng trên mạng xã hội và từ những mối quan hệ xung quanh tôi thấy có nhiều chuyện để nói. Nhưng ám ảnh nhất là những đồ vật gia dụng bỗng dưng "đột tử" hoặc hư hỏng bất đắc dĩ ngay trong thời gian này.

Xin lấy câu chuyện của tôi để kể trước. Đến nay, hơn một tháng tôi nấu cơm ngày hai bữa bằng chiếc nồi cơm điện. Tôi không có bếp ga vì dùng bếp từ. Một ngày đẹp trời mùa giãn cách, chiếc bếp từ thân yêu bỗng dưng lên cơn bệnh rồi "ngủm" luôn. Vậy là từ đó đến nay, ngày hai bữa, tôi nấu nướng tất tần tật bằng chiếc nồi cơm điện. Đầu tiên là nấu cơm, cơm chín cho ra tô rồi ủ cho ấm. Xong chiếc nồi cơm điện bất đắc dĩ biến thành chiếc chảo chiên trứng, chiên thịt, xào cải... Riêng các món luộc rau củ như cà rốt, bắp cải, luộc trứng, tôi cho vào xửng (đi kèm nồi cơm điện) để hấp, luộc luôn một lần. Nói cũng không phải là tiện lợi nhưng tôi tạm hài lòng vì cuộc sống độc thân không có nhu cầu nhiều. Miễn sao ăn chín, uống sôi là được.

Tôi chia sẻ điều này với một nhóm trên mạng, có một số bạn cũng "yêu thích nấu nướng bằng nồi cơm điện" giống tôi. Một bạn chia sẻ rằng nhà có bình ga sắp hết, nhưng gọi suốt mấy ngày cũng không thấy tiệm ga đến đổi bình mới. Thế là cũng phải bất đắc dĩ nấu nướng tạm bằng nồi cơm điện. Sao đó may thay được một hàng xóm chung cư cho mượn chiếc bếp điện dùng tạm.

Một em sinh viên ở trọ cũng kể rằng ngày thường, chủ trọ không cho nấu nướng tại phòng để đề phòng cháy nổ, chỉ cho dùng một ấm đun nước siêu tốc. Nhưng rủi thay đang giãn cách thì chiếc ấm cũng hư luôn. Đang lo lắng vì không biết lấy đâu ra nước sôi để pha mì gói thì may thay được bác chủ nhà trang bị cho mượn một nồi cơm điện và cái bếp từ.

Nhưng ngặt một chỗ là bác chủ nhà quên cho mượn nồi nên không thể nấu nướng gì được. Em ấy bấm bụng đặt một chiếc nồi cho bếp từ, khá đắt nhưng mãi không thấy ai giao hàng tới. Vậy là chiếc nồi cơm điện được trưng dụng để đun nước sôi để nấu mì, cháo gói. Và cũng may là bác chủ trọ sau khi biết chuyện đã kịp thời tới đưa cho chiếc nồi bếp từ nên cũng ổn.

Và bây giờ là tới màn "kinh dị" nhất theo lời của các bà nội trợ đó là chuyện chiếc tủ lạnh thân yêu, là "nguồn hy vọng" của gia đình đột nhiên đình công, không chịu làm việc nữa. Lúc đầu mùa dịch, bạn tôi, một bà mẹ bỉm sữa vừa nhắn tin khoe có hai thùng đồ ăn tươi sống, rau củ từ quê nhà gửi lên. Nhưng được hai hôm thì buồn thiu nhắn vào: Tủ lạnh hết ga nên không giữ được đồ ăn tươi lâu được. Và thế nhiệm vụ được đặt ra là làm sao bảo quản chỗ thịt cá lâu ngày nhất có thể. Tôi cũng không biết rõ cô bạn giải quyết hết đống đồ ăn đó thế nào, chỉ nghe kể là gà kho gừng ăn được 5 ngày, rau củ thì đem muối hết...

Rõ là thời gian này có biết bao chuyện dở khóc dở cười và vật vã tìm cách đối phó khi đồ gia dụng bị hư. Tôi chỉ kể vài trường hợp "thiết yếu" như tủ lạnh, bếp, nồi cơm điện, ấm đun siêu tốc...vì muốn ăn uống gì cũng phải có những dụng cụ cơ bản này. Tôi còn đưa ra lời giải cho một người than bình nước 21 lít hết mà không ai đổi là hãy đun nước sôi để nguội uống đỡ đi. Hay có ai đó than máy lạnh hỏng, hết ga thì chịu khó dùng quạt, sống không máy lạnh một thời gian xem nào.

Nhưng nghĩ kỹ lại, có những thứ lặt vặt hơn như: bóng đèn hư, vòi nước hỏng, bể ống nước, chuột máy tính hết pin... thì có lẽ rất nhiều người đã xoay xở để tìm cách đối phó trong thời gian qua.

Kể một vài chuyện để thấy, giãn cách chống dịch đã sắp trôi qua tháng thứ tư. Đa số người dân đều ở yên trong nhà để giãn cách chống dịch. Nhưng ngoài thực phẩm, đồ ăn là chuyện quan trọng thì vật gia dụng, bình gas, bình nước, tủ lạnh hư... cũng là một trong những chuyện đáng quan tâm và cần có giải pháp rõ ràng để giải quyết trong thời gian tới nếu chúng ta vẫn còn giãn cách chống dịch.

Nguồn: Vnexpress.vn   - Hoàng Trường

Created with Mobirise web page builder